Sau tháng cô hồn, giá xe ô tô sẽ tiếp tục tăng mạnh tại Việt Nam?

Thị trường ô tô|08/08/2018

Sau tháng cô hồn, thị trường xe hơi Việt Nam sẽ bắt đầu bước vào thời kỳ sôi động nhất năm. Theo dự báo của giới chuyên gia, nhu cầu mua tăng đột biến chính là đòn bẩy đẩy giá xe ô tô tăng cao hơn càng về cuối năm.

LIÊN HỆ LÁI THỬ - MUA TRẢ GÓP - ƯU ĐÃI

Bạn muốn đặt hotline tại đây? Liên hệ:

Tâm lý chờ đợi mua ô tô giá rẻ của khách Việt bắt đầu nhen nhóm từ năm cuối năm 2016 và kéo dài suốt cả một năm 2017. Đó chính là lý do khiến lượng tiêu thụ của toàn thị trường xe hơi Việt Nam năm 2017 sụt giảm đến 10% so với năm 2016 mặc cho các hãng xe ra sức hạ giá sốc để câu kéo khách. Những cái tên điển hình chơi trội ưu đãi cả trăm triệu đồng như: Mitsubishi (Pajero và Pajero Sport), Honda (CR-V và Accord), Mazda (CX-5 và Mazda 6), Nissan (X-Trail và Sunny) hay Hyundai (Santa Fe, Tucson và Elantra)...

Tuy nhiên, viễn cảnh thị trường sẽ khởi sắc trở lại vào năm 2018 lại trở thành là một tấn "bi kịch" mang tên Nghị định 116 khi giá xe ô tô bất ngờ tăng chóng mặt.

Giá xe nhập khẩu tăng giảm khó đoán

Giá xe nhập khẩu tăng giảm khó đoán..

Bắt đầu từ tháng 10/2017, các hãng đồng loạt dừng đưa xe nhập khẩu về nước để chuẩn bị giấy tờ đáp ứng yêu cầu Nghị định 116 và Thông tư 03. Do đó, số xe nhập bán ra cho đến nay phần lớn là hàng tồn từ năm 2017 và chưa được hưởng ưu đãi thuế 0%. Đặc biệt qua mùa mua sắm Tết Nguyên Đán, có rất nhiều mẫu xe rơi vào điểm chết doanh số (0 xe) như: Toyota Fortuner, Toyota Yaris, Toyota Land Cruise hay Honda Odyssey. 

Trong bối cảnh khó khăn đó, Honda xuất sắc vượt "vũ môn" Nghị định 116 để đưa những mẫu xe nhập miễn thuế đầu tiên về Việt Nam gồm Jazz, CR-V, Accord và Civic. Dẫu vậy, sóng gió vẫn chưa qua khi hãng xe Nhật 2 lần điều chỉnh tăng giá xe (tổng 15 triệu đồng) chỉ trong vòng chưa đầy 3 tháng do các chi phí phát sinh. Toyota cũng đánh dấu sự trở lại với màn tăng giá đầy bất ngờ cho Fortuner (~50 triệu), Hilux (~30 triệu), Yaris (~10 triệu) hay Land Cruiser Prado (~80 triệu). 

Xe về nhỏ giọt, cháy hàng, khan hiếm hàng là cái cớ để các đại lý làm giá. Tình thế đã lật ngược hoàn toàn, đại lý không còn phải tung chiêu ưu đãi hay giảm giá để câu kéo khách mua xe như trước mà khách sẽ phải xếp hàng chờ đại lý duyệt đơn. Muốn nhận xe sớm, khách phải chi phí lót tay, chịu mức chênh cao hoặc thậm chí là mua phụ kiện giá "chát" lên đến cả trăm triệu đồng như Toyota Fortuner, Honda CR-V hay cả Ford Ranger. Thậm chí, ngay cả các mẫu ô tô hoàn toàn mới chưa về Việt Nam, các đại lý đều lần lượt điều chỉnh tăng giá đặt cọc trên dưới trăm triệu như Toyota Wigo, Rush hay Avanza.

Tia hy vọng le lói cho khách Việt về giấc mộng mua xe giá rẻ chính là Mitsubishi khi công bố giảm giá cao nhất gần 200 triệu đồng cho Pajero Sport và dao động từ 15-30 triệu đồng cho các dòng xe cỡ nhỏ. Còn Chervolet dù không giảm giá niêm yết nhưng vẫn đều đều tung ưu đãi về giá cho khách hàng, có thời điểm cao nhất là 80 triệu đồng. Cuối cùng là Ford dự kiến sẽ đại hạ giá Everest ở đời 2018 mới. 

Xe lắp ráp đội giá mạnh

Xe lắp ráp đội giá mạnh.

Tưởng chừng xe lắp ráp sẽ không bị ảnh hưởng bởi Nghị định 116 sẽ thể hiện tốt lập trường "giữ giá". Thực tế, tất cả các hãng dắt tay nhau tăng giá. Điển hình là Nissan 2 lần điều chỉnh giá Nissan X-Trail với mức tăng trên 30 triệu đồng. Hyundai tăng giá 10-20 triệu đồng đối với Grand i10 và Santa Fe. "Ông lớn" Thaco đồng loạt tăng giá xe Kia cao nhất lên 141 triệu đồng với Sedona, trong khi Mazda tăng 20-30 triệu đồng đối Mazda 2, CX-5, hay BT-50. Mitsubishi cũng không loại lệ khi giá Outlander lắp ráp tăng thêm hơn 20 triệu đồng. 

Mới đây nhất chính là Toyota Vios 2019 thế hệ hoàn toàn mới vừa ra mắt. Theo đó, giá xe Vios cũng leo thang cao nhất 41 triệu đồng so với thế hệ cũ. 

Sau tháng cô hồn, giá xe ô tô sẽ tăng mạnh?

Sau tháng cô hồn, giá xe ô tô sẽ tăng mạnh

Thị trường ô tô Việt Nam cuối năm 2018 dự đoán sẽ sôi động hơn rất nhiều so với nửa đầu năm. Nguyên nhân bởi xe nhập khẩu đã trở lại với nhiều nâng cấp, cải tiến đáng tiền như Toyota Fortuner, Toyota Yaris, Ford Ranger hay Ford Everest. Cộng thêm sự góp mặt của nhiều cái tên mới gây không ít sóng gió ở các thị trường mở bán trước như: Mitsubishi Xpander, Toyota Rush, Toyota Avanza hay Hyundai Kona. Đổi lại, khách sẽ phải mua ô tô với giá cao hơn dù là nhập khẩu hay lắp ráp.

Hiện giờ đang là những ngày cuối cùng của tháng 6 âm. Khách Việt sẽ tạm gác việc đặt cọc hay mua xe cho đến hết tháng cô hồn (tháng 7 âm) và mọi hoạt động buôn bán sẽ phải chờ đến nửa cuối tháng 9 - thời điểm hầu hết các hãng hứa hẹn bắt đầu giao xe. Cơn khát xe nhập kéo dài gần một năm qua sẽ đẩy khách Việt sẽ đổ xô tậu xe dịp cuối năm để chơi Tết. Dù qua cửa Nghị định 116 nhưng lượng xe nhập về rải khắp các đại lý vẫn rất ít ỏi và tình trạng khan hiếm hàng dự tính sẽ còn kéo dài. 

Trong khi đó, xe lắp ráp vẫn đang giữ thế chủ đạo tại thị trường Việt nhưng tâm lý chờ cuối năm mua xe khiến các hãng khó lòng đáp ứng nhu cầu mua tăng đột biến. Cầu vượt cung là cơ sở để các nhà phân phối điều chỉnh tăng giá xe hay đại lý "xử đẹp" khách hàng, nhẹ nhàng 20-30 triệu đồng như Hyundai, Mazda, Kia hay cả trăm triệu như Honda, Toyota và Ford.

 
loading