Từ 1/9, ô tô chạy dịch vụ taxi phải dưới 9 chỗ ngồi và không quá 12 năm tuổi

Thị trường ô tô|26/08/2022

Nghị Định số 47 bổ sung mới nhất quy định, từ 1/9, ô tô chạy dịch vụ taxi phải dưới 9 chỗ ngồi, tính cả người lái và không quá 12 năm tuổi.

LIÊN HỆ LÁI THỬ - MUA TRẢ GÓP - ƯU ĐÃI

Bạn muốn đặt hotline tại đây? Liên hệ:

Mới đây, Nghị định số 47/2022/NĐ-CP của Bộ Giao thông vận tải đã được Chính phủ thông qua. Một trong những nội dung đáng chú ý nhất chính là quy định về niên hạn sử dụng và sức chứa trên xe taxi.

Cụ thể, quy định mới nêu rõ, xe ô tô chạy dịch vụ taxi phải có sức chứa dưới 9 chỗ, bao gồm cả vị trí lái và có niên hạn sử dụng 12 năm, tính từ năm sản xuất.

Không được phép cải tạo ô tô có sức chứa từ 9 chỗ trở lên hoặc các phương tiện có cùng kiểu dáng, kích thước tương tự xe từ 9 chỗ trở lên thành xe có kết cấu dưới 9 chỗ ngồi, tính cả vị trí tài xế để phục vụ mục đích kinh doanh vận tải hành khách.

Nghị định số 47/2022/NĐ-CP chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/9/2022.

Quản lý của một hãng kinh doanh dịch vụ taxi cho hay, quy định mới sẽ hạn chế các xe tư nhân quá 12 năm tuổi đăng ký nốt chạy xe tại đơn vị kinh doanh taxi.

Từ 1/9, ô tô chạy dịch vụ taxi phải dưới 9 chỗ ngồi và có niên hạn không quá 12 năm.

Từ 1/9, ô tô chạy dịch vụ taxi phải dưới 9 chỗ ngồi và có niên hạn không quá 12 năm. Ảnh: Zing

Còn theo đại diện tại một trạm đăng kiểm tại Hà Nội, Nghị định 47 đưa ra nhằm mục đích cấm sử dụng ô tô trên 12 năm hoạt động dịch vụ taxi, song vẫn được sử dụng cá nhân.

Đối với những xe có sức chứa từ 9 chỗ trở lên đã cải tạo thành xe dưới 9 chỗ và được cấp phù hiệu trước thời gian Nghị định số 47 có hiệu lực vẫn tiếp tục được sử dụng chạy dịch vụ taxi cho đến khi hết niên hạn sử dụng theo quy định hiện hành.

Trường hợp xe quá niên hạn sử dụng mà vẫn đưa vào lưu hành thì cá nhân điều khiển phương tiện sẽ phải chịu mức phạt hành chính từ 4 - 6 triệu đồng theo quy định tại điểm b, Khoản 5, Điều 16 Nghị định 100/2019/NĐ-CP.

Mức phạt đối với tổ chức kinh doanh dịch vụ taxi "sử dụng phương tiện kinh doanh vận tải có chất lượng, niên hạn sử dụng không bảo đảm điều kiện của hình thức kinh doanh đã đăng ký" sẽ từ 10 - 12 triệu đồng theo quy định tại điểm i, Khoản 6, Điều 28 Nghị định 100/2019/NĐ-CP.

Ngoài ra, tin tức pháp luật còn cho biết thêm, Nghị Định số 47 cũng quy định, xe du lịch thuộc các đơn vị kinh doanh dịch vụ vận chuyển hành khách bắt buộc phải dán nhãn "xe tuyến cố định" hoặc "xe trung chuyển" theo đúng dịch vụ cung cấp. Vị trí dán nhãn nằm ở bên phải phía trong kính trước của xe.

Bên cạnh đó, loại "xe hợp đồng" cũng cần được trang bị đầy đủ phụ hiệu đi kèm. Xe ô tô kinh doanh dịch vụ vận tải khách du lịch cũng phải dán cố định biển hiệu "xe ô tô vận tải khách du lịch" ở bên phải mặt trong kính trước của xe.

Các quy định này cũng có hiệu lực kể từ ngày 1/9/2022. Vì vậy, các bác tài cũng như các đơn vị kinh doanh cần nắm rõ để chấp hành nghiêm túc quy định pháp luật và tránh rơi vào tình huống bị phạt hành chính.

Xem thêm: Những lỗi khiến ô tô bị thu giữ vĩnh viễn mới nhất năm 2022

 
loading